(LĐ online) - Ngày 1/11, tại Hà Nội, Văn Phòng Chính phủ
tổ chức Hội nghị trực tuyến với tất cả bộ, ban, ngành và các địa phương trong
toàn quốc về việc triển khai thành lập Cổng Dịch vụ công Quốc gia (CDVCQG) trong
tháng 11 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Nguyễn Văn Yên - UVBTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND
tỉnh chủ trì đầu cầu Lâm Đồng
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng
chủ trì đầu cầu Hà Nội; ông Nguyễn Văn Yên - UVBTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND
tỉnh đại diện cho đầu cầu Lâm Đồng cùng đông đảo lãnh đạo các sở, ban ngành, địa
phương tham dự.
Mở đầu hội nghị, ông Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: Việc thiết
lập CDVCQG là phù hợp với quan điểm xây dựng Chính phủ điện tử, thực hiện cải
cách hành chính tại Nghị quyết số 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử, Nghị quyết
02/NQ-CP năm 2019 của Chính phủ và được quy phạm về khái niệm, yêu cầu, chức
năng tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên
thông trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Đây là giải pháp được nhiều
quốc gia thực hiện, phù hợp với xu hướng thế giới, đồng thời cũng là một chỉ
tiêu trong đánh giá Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc.
Người đứng đầu Văn phòng Chính phủ cũng cho biết thêm:
Thiết lập CDVCQG là giải pháp phù hợp để khắc phục hiện trạng cung cấp, thực
hiện dịch vụ công trực tuyến còn nhiều những tồn tại, hạn chế tại Việt Nam như
khó khăn trong tiếp cận, thực hiện dịch vụ công công do thiếu tính thống nhất,
thiếu thân thiện, không đúng nhu cầu người sử dụng; các chức năng hệ thống còn
đơn giản, chưa đảm bảo tính an toàn, an ninh thông tin; các hệ thống có chức
năng trùng lặp, thiếu kiến trúc chung, không chia sẻ, không chia sẻ, kết nối
thông tin...
Theo kế hoạch và lộ trình, để kết nối, chia sẻ, tích hợp
dữ liệu Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh
qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu sẽ được phát triển từ Trục liên thông văn
bản quốc gia, bộ, ngành, địa phương cần thực hiện các nội dung kỹ thuật bao gồm:
Nâng cấp, hoàn thiện các chức năng chính của CDVCQG, hệ thống thông tin một cửa
điện tử gồm: danh mục dịch vụ công, xác thực, hồ sơ dịch vụ công, tra cứu, đánh
giá kết quả giải quyết TTHC, phản ánh, kiến nghị, thanh toán điện tử.
Sử dụng máy chủ bảo mật kết nối các hệ thống gửi/nhận
văn bản điện tử để kết nối với CDVCQG hoặc thiết lập máy chủ bảo mật mới theo
hướng dẫn tại support.chinhphu.vn. Cấu hình máy chủ phải bảo mật kết nối với
CDVCQG theo hướng dẫn của Văn phóng Chính phủ. Phát triển Bộ chuyển đổi (Adapter
Server – AS) các dịch vụ chia sẻ, tích hợp với CDVCQG theo thư viện lập trình
mẫu và hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ. Tuân thủ kỹ thuật định dạng dữ liệu
gói tin để phục vụ kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin lẫn nhau với CDVCQG.
CDVCQG sẽ chỉ có một địa chỉ duy nhất để mang lại lợi
ích cho người dân và doanh nghiệp trong việc: Tra cứu thông tin TTHC (thủ tục
hành chính được tổ chức theo các sự kiện; ngôn ngữ bình dân); thông tin về cơ
quan cung cấp dịch vụ công; trạng thái hồ sơ TTHC; các vấn đề thường gặp trong
thực hiện TTHC; tổng đài, công cụ hỗ trợ tự động; gửi, theo dõi xử lý phản ánh,
kiến nghị; đánh giá mức độ hài lòng về việc giải quyết TTHC.
Người dân và doanh nghiệp cũng sẽ có một tài khoản duy
nhất để thực hiện dịch công trực tuyến; quản lý thông tin & các tiện ích (đăng
ký doanh nghiệp, thuế, BHXH, điện, giáo dục, ý tế...); hồ sơ dịch vụ công (thực
hiện TTHC liên bộ, liên ngành, tại nhiều địa phương. Giảm thông tin, giấy tờ cập
nhật, nộp cho cơ quan nhà nước, các bước thực hiện TTHC); Chuẩn hóa việc cung
cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp, Cổng dịch vụ công, hệ
thống một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh.
Lợi ích mà CDVCQG cũng mang lại cho nhiều bộ, ban,
ngành, địa phương, hạn chế được việc đầu tư dàn trải, cung cấp các nền tảng, dữ
liệu dùng chung; đồng thời tăng cường giám sát, đánh giá việc giải quyết TTHC,
cung cấp dịch vụ công trực tuyến đảm bảo kỷ luật, kỷ cương hành chính, hạn chế
lãng phí, tham nhũng, tiêu cực; tăng cường trách nhiệm giải trình và năng lực
phản ứng chính sách; tự động hóa một số báo cáo liên quan tới dữ liệu TTHC.
Theo lộ trình, Văn phòng Chính phủ sẽ trình Chính phủ
ban hành nghị định về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử trong
năm 2019; ban hành Quy chế quản lý, vận hành khai thác CDVCQG trong năm 2019;
ban hành tài liệu hướng dãn lỹ thuật kết nối, tích hợp, chia sẻ với CDVCQG và
thiết lập CDVCQG trong năm 2019.
Đối với dịch vụ công tích hợp của các bộ, cơ quan TƯ sẽ
bao gồm: Bộ GTVT: Đổi giấy phép lái xe, cấp giấy phép lái xe quốc tế, cấp giấy
phép lái xe. Bộ Công Thương: Cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa; thông báo
thực hiện khuyến mại (địa phương); đăng ký khuyến mại. Bộ Tài chính: Nộp thuế
điện tử với doanh nghiệp; khai hồ sơ hải quan; hủy tờ khai hải quan; cấp mã số
đơn vị quan hệ ngân sách; nộp thuế điện tử với cá nhân; thu phí, lệ phí trước
bạ. Bộ KH&ĐT: Đăng ký kinh doanh. Bộ Y tế: Dịch vụ công về trang thiết bị y tế.
Bộ Công an: Thu phạt vi phạm giao thông đường bộ. Bộ Tư pháp: Giao dịch bảo đảm;
lý lịch tư pháp; khai sinh. Tập đoàn Điện lực: Cấp điện hạ áp, trung áp; thanh
toán tiền điện.
Đối với dịch vụ công tích hợp ở các tỉnh thành phố sẽ
bắt đầu với: Ngành GTVT tiến hành đổi giấy phép lái xe, cấp giấy phép lái xe
quốc tế. Ngành Công Thương thông báo thực hiện khuyến mại. Và ngành Tư pháp cấp
khai sinh, cấp phiếu lý lịch tư pháp.
Ở các địa phương, ngay trong tháng 11/2019, TP Hà Nội
sẽ: Cấp giấy chứng chỉ hành nghề y dược, cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh,
cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, cấp bản sao trích lục hộ tịch, đăng ký
khai sinh. Trong Quý I/2020 sẽ tiến hành: Đăng ký kết hôn, cấp giấy phép nhập
khẩu xuất bản phẩm không nhằm mục đích kinh doanh, đăng ký lại khai sinh, đăng
ký khai tử, cấp giấy xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị thuộc thẩm quyền giải
quyết của UBND cấp huyện, cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cấp phiếu lý
lịch tư pháp.
Tại TP Hồ Chí Minh tháng 11/2019 sẽ cho phép tiến hành
đăng ký thủ tục liên thông giữa đăng ký hộ kinh doanh và đăng ký thuế. Quý
I/2020 sẽ cấp phiếu lý lịch tư pháp; đăng ký khai sinh; thủ tục liên thông đăng
ký khai sinh, đưng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi; thủ tục liên
thông đăng ký khai tử và xóa đăng ký thường trú.
Bên cạnh hai thành phố lớn kể trên, Quảng Ninh sẽ là
tỉnh đầu tiên thực hiện cấp đăng ký khai sinh trong tháng 11/2019. Quý I năm
2020 sẽ cấp phiếu lý lịch tư pháp; đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất và quyền
sở hữu tài sản gắn liền với đất.